Nếu bóng đèn sợi đốt nhà bạn bị cháy thì đó là lúc bạn nên cân nhắc việc chuyển sang dùng bóng đèn LED, bởi vì loại bóng đèn này có tuổi thọ cực kỳ ấn tượng: trên 20 năm. Tuy nhiên, dù giá đèn LED đã “hạ nhiệt” nhưng có một số mẫu vẫn đắt hơn gấp 5 lần bóng đèn truyền thống.
Mặc dù giá khá đắt nhưng bóng đèn LED mang đến cho chúng ta những lợi ích rất to lớn. Loại bóng đèn này đã có những cải tiến đáng kể trong những năm gần đây. Nếu bạn yêu thích ánh sáng vàng ấm áp của bóng đèn sợi đốt thì đèn LED hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đó của bạn.
Để lựa chọn được một bóng đèn LED phù hợp với không gian nhà bạn thì chúng ta cần có những hiểu biết cơ bản về loại đèn này. Sau đây là những điều cần quan tâm khi bạn có ý định mua đèn LED.
1. Tìm hiểu về độ sáng
Khi mua bóng đèn, bạn thường quan tâm đến công suất của bóng đèn. Đối với bóng đèn sợi đốt, watt càng lớn thì bóng đèn càng sáng. Tuy nhiên, với bóng đèn LED lại hoàn toàn không phải như vậy.
Trên các bóng đèn LED, có một đơn vị đo lường mà bạn cần quan tâm đó là lumen. Lumen (lm) là số đo thực tế của độ sáng được phát ra bởi một bóng đèn. Dưới đây là bảng quy đổi cho thấy sự khác nhau về công suất giữa bóng đèn sợi đốt và bóng đèn LED trong cùng một độ sáng.
Một bóng đèn sợi đốt có thể tiêu thụ gấp 5 lần điện năng của một bóng đèn LED với cùng một độ sáng
2. Quan tâm đến màu sắc
Khác với bóng đèn sợi đốt là chỉ có thể mang đến duy nhất một màu ánh sáng vàng, bóng đèn LED mang đến cho bạn nhiều lựa chọn hơn với hàng loạt màu sắc khác nhau.
Bóng đèn LED có rất nhiều màu, từ tím cho đến đỏ, dải màu từ trắng cho đến vàng. Sắc màu phổ biến nhất trên bóng đèn LED đó là “trắng ấm”, “trắng dịu” và “trắng sáng”. Trắng ấm và trắng dịu sẽ tạo ra ánh sáng màu vàng nhạt tương tự như bóng đèn sợi đốt, trong khi đó, màu “trắng sáng” sẽ mang đến ánh sáng với màu trắng hơn, gần với ánh sáng ban ngày.
"Trắng sáng", "trắng dịu" và "trắng ấm"
Màu sắc ánh sáng hay còn gọi là nhiệt độ màu được đo bằng đơn vị Kelvin (K). Chỉ số Kelvin càng thấp thì ánh sáng càng ấm (tức là vàng hơn) và ngược lại. Nhiệt độ màu của bóng đèn sợi đốt nằm trong khoảng từ 2.700 – 3.500K. Vì vậy, nếu bạn đang tìm kiếm một bóng đèn LED có ánh sáng tương tự như bóng đèn sợi đốt thì hãy chọn những bóng đèn có chỉ số Kelvin nằm trong khoảng nói trên.
Bảng nhiệt độ màu
3. Tiết kiệm chi phí
Bóng đèn LED tiêu tốn rất ít điện năng, vì vậy bạn có thể tiết kiệm đáng kể tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên, giá mua ban đầu của loại bóng đèn này lại khá đắt. Khi chuyển từ bóng đèn sợi đốt sang bóng LED, hãy coi như là bạn đang đầu tư cho lâu dài.
Hiện nay, do tính cạnh tranh tăng lên nên giá đèn LED cũng có xu hướng giảm nhiệt. Mặc dù giá bóng LED đã giảm nhiều nhưng vẫn đắt hơn đáng kể so với bóng đèn sợi đốt.
Tuy nhiên, khi sử dụng đèn LED, bạn sẽ nhận thấy những lợi ích to lớn của nó: sinh nhiệt ít hơn, tuổi thọ lâu hơn, thậm chí một số mẫu còn có tính năng điều khiển bằng smartphone.
4. “Bài toán” điều chỉnh độ sáng bóng LED
Đèn LED đôi khi không tương thích với các công tắc thông thường, vì vậy bạn có khả năng sẽ phải thay thế bằng một công tắc khác. Hầu hết các chiết áp thiết kế cho bóng đèn sợi đốt hoạt động bằng cách tăng / giảm năng lượng điện đưa đến bóng đèn. Năng lượng càng ít thì bóng sáng càng yếu. Tuy nhiên, đối với bóng LED thì không hề có mối tương quan trực tiếp giữa độ sáng và năng lượng được cung cấp.
Vì vậy, nếu muốn điều chỉnh độ sáng của bóng LED thì chỉ có hai cách: Cách thứ nhất là bạn phải tìm được bóng LED tương thích với chiết áp thông thường. Còn cách thứ hai là bạn phải thay thế chiết áp thường bằng một chiết áp dành riêng cho loại bóng đèn này.
Khi mua bóng LED, bạn phải nắm rõ loại chiết áp mà mình đang có để tìm được bóng đèn thích hợp. Nếu bạn không biết nhà mình đang dùng chiết áp nào thì cách đơn giản nhất là tìm mua bóng LED tương thích với chiết áp bóng đèn sợi đốt.